P.O.P (PIECE OF PEACE) PT.1:
MẢNH BÌNH YÊN GIỮA CUỘC CHIẾN ĐI TÌM CHỖ ĐỨNG

I. Không có bình yên trọn vẹn

“Thấu hiểu chính mình, cảnh 1
Tìm một ước mơ, cảnh 2
Biến mơ thành thực, cảnh 3
Giữa cuộc đời tựa như một bộ phim,
Đôi khi chúng ta tạo nên một cảnh hỏng”

Giữa những thanh âm nghe như tươi sáng, J-Hope đã nói về bình yên giữa một cảnh tượng phản bình yên. Giả như cuộc sống của con người giống như một bộ phim thường gặp, nhân vật chính sẽ hướng về một đích đến và sau rất nhiều gian truân, cuối cùng họ sẽ đạt được ước mơ và thành tựu của mình. Tuy nhiên, J-Hope nói đến cuộc đời như một bộ phim với những cảnh NG chứ không phải như một bộ phim với những cảnh quay về vượt qua gian khó được diễn viên thực hiện một cách hoàn hảo. Những cảnh NG này là những sai sót mà không đóng góp cho kết quả tốt đẹp cuối cùng của bộ phim.

“Ai ai cũng mắc sai lầm
Để rồi phải chịu đau đớn
Dù tôi chẳng biết đến họ
Tôi rõ đau khổ họ mang
Có đau đớn, có thành công
Với chúng tôi, luôn luôn là
bể khổphong tỏa
Cứ như vậy, mờ phai đi”

J-Hope nói rằng dù cậu không thể biết đến mọi con người đang trải qua gian khó, trải qua cảm giác thấy mình sai lầm và đau đớn nhưng cậu hoàn toàn hiểu cảm giác đó. J-Hope đã từng hoang mang trước những giấc mơ tưởng như quá xa vời giống như họ. J-Hope từng rap trong Whalien 52:

“Sẽ chẳng bao giờ thế giới này hiểu rõ
Buồn thương trong tôi lớn đến đâu
Nỗi đau như dầu loang, không thể dung hòa cùng nước
[…] Mỗi ngày tôi luôn giữ giá trị bản thân
Say trong lo lắng, luôn giữ miếng dán sau tai
Địa ngục này sao mãi không ngừng
Mặc cho thời gian trôi, Miền Đất Hứa thẳm nơi vực sâu u tối”

Nỗi đau không thể chạm tới ước mơ này không phải một cảnh trí trong tưởng tượng của người sáng tác mà là điều được JHope nhìn thấy trong chính mình xưa cũ và nhìn thấy trong thực tại xã hội Hàn Quốc.

II. Tình trạng thất nghiệp tại Hàn Quốc

1. Tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ tuổi cao

J-Hope đã chỉ ra cụ thể những giấc mơ không thành hiện thực dù người ta có miệt mài gắng sức thông qua tình trạng thất nghiệp tại Hàn Quốc.

“Sinh viên chuẩn bị xin việc làm
Tình trạng buộc phải trở thành chủ đề nóng
Đồng lòng, ta thành một chủ thể
Và cùng than phiền về vấn đề
Dẫu mơ về bình yên giữa thực tại
Ta ở giữa cuộc chiến không thể tránh né
Chúng ta cứ lùi lại một bước
Thì bao giờ mới tiến bước thứ hai?
Công việc chia ra thành xịn, đểu
Một bóng tối ẩn giấu
Tiền công hàng ngày khiến máu và mồ hôi ta trở thành thảm hại
Giải pháp như hạn hán khiến mầm non khô héo
Dù có hét lớn bài ca, thế giới dường như đã điếc.”

P.O.P pt.1 ra đời vào năm 2018, giai đoạn mà tình trạng thất nghiệp của Hàn Quốc, đặc biệt là đối với thanh niên đã kéo dài và trở thành một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết. Tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là ở giới trẻ của Hàn Quốc rất khác với ở Việt Nam. Bản thân việc người Việt Nam không có một cụm từ thông dụng để chỉ các sinh viên mới tốt nghiệp và đang chuẩn bị xin việc, còn khi Hàn Quốc có từ 취준생 được sử dụng thường xuyên và được J-Hope đưa vào trong P.O.P đã phần nào thể hiện sự khác biệt này.

Ghi chú: Chỉ tính thanh niên từ độ tuổi 15-24

Để nhìn nhận rõ hơn về sự khác biệt thì chúng mình hãy so sánh một chút với tình trạng thất nghiệp của Việt Năm năm 2021. Sau một thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường lao động Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2021 của nước mình tăng lên 3,2%, trong khi bình quân từ 2015 đến 2020 là khoảng 2,2%. Tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi từ 15-24 giai đoạn 2015-2020 rơi vào khoảng 7,1% thì đến năm 2021 cũng tăng mạnh lên đến 8,5%. Mình thấy gần đây, có khá là nhiều bạn trẻ mới ra trường, đặc biệt là các bạn sinh sống ở thành thị càng gặp nhiều trở ngại trong tìm kiếm việc làm. Thế nhưng tỷ lệ thất nghiệp 8,5% này của nước mình vẫn thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tại Hàn Quốc vào thời điểm ra mắt P.O.P.

Ba năm liền trước khi ra mắt P.O.P, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam dao động từ 2,2 đến 2,3%; tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc luôn ở mức trên 3,5%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi lên đến trên 10,3%. (1)

Hay nói cách khác, sau nhiều năm, năm 2021 mới là năm đầu tiên người ta nhìn thấy rõ ràng sự khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm của người trẻ Việt Nam. Còn giới trẻ Hàn Quốc đã đối mặt với tình trạng khó khăn hơn, trong một thời gian dài từ trước đó.

2. Đằng sau tình trạng thất nghiệp

Có lý do để J-Hope nói về riêng tình trạng thất nghiệp khi nói về bình yên. Tình trạng thất nghiệp không chỉ là những con số hay một tình trạng đơn lẻ không can hệ đến các vấn đề khác mà nó ẩn chứa những nguyên nhân sâu xa từ cấu trúc nền kinh tế, lịch sử phát triển của Hàn Quốc; là biểu hiện của khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn trong xã hội, sự bất công mà người dân gặp phải, những giải pháp không hiệu quả của chính phủ và dẫn đến hậu quả là sự cản trở phát triển kinh tế cũng như tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần giảm sút của người dân.

“Công việc chia ra thành xịn, đểu”Phân cực thu nhập và phân tầng xã hội

 “Công việc chia ra thành xịn, đểu
Một bóng tối ẩn giấu
Tiền công hàng ngày khiến máu và mồ hôi ta trở nên thảm hại”

Ở Việt Nam, chúng mình không thường phân loại công việc thành việc xịn hay việc đểu; việc thật hay việc giả. Còn ở Hàn Quốc, nhiều người phân loại công việc thành hai kiểu: kiểu công việc xịn là làm cho các tập đoàn lớn (hay còn gọi là chaebol) hoặc làm công chức nhà nước và công việc đểu là các công việc khác như làm lao động phổ thông thay làm công cho các doanh nghiệp nhỏ… Cách phân tách này đến từ khoảng cách thu nhập của hai loại công việc.

Nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các tập đoàn lớn (chaebol) như Samsung, Hyundai, SK, LG… Mức lương mà những tập đoàn lớn trả cho người lao động cũng cao hơn hẳn mức lương của các doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời, cách mạng 4.0 đến khiến những gì máy móc có thể làm thay thế cho con người ngày một tăng lên khiến cho khối lượng công việc trên thị trường giảm xuống. Hàn Quốc gặp tình trạng thiếu các công việc toàn thời gian, công việc có thu nhập đảm bảo cho đời sống thông thường. Trong khi đó, mức lương cho những lao động phổ thông, lao động có trình độ trung bình và thấp giảm xuống. Điều này dẫn đến sự phân cực trong thu nhập của người lao động làm cho các tập đoàn lớn và người lao động bình thường ngày một tăng lên.

Năm 2015, theo số liệu của trung tâm nghiên cứu Lao động Hàn Quốc, lương bình quân của lao động làm việc toàn thời gian chính thức là 2,9 triệu won/tháng, trong khi lương bình quân của lao động làm tạm thời là 1,2 triệu won/tháng. Chi tiêu đời sống cho hộ gia đình bình quân cao hơn 40% so với lương bình quân và con số này là 76% đối với những người có công việc tạm thời và mức lương trung bình (5). Đầu năm 2017, một khảo sát với 850 thanh niên từ 19 đến 31 tuổi, không tính sinh viên cho thấy người trẻ Hàn Quốc sống với khoản tiền trung bình 1,58 triệu won mỗi tháng, chỉ nhỉn hơn mức lương tối thiếu 1,35 triệu won một chút  (3).

Có những lao động trẻ dù được đào tạo qua đại học nhưng không thể kiếm được một công việc có mức thu nhập đảm bảo nhanh chóng bù đắp các khoản chi phí đã bỏ ra cho việc học tập. Bên cạnh đó, do giá bất động sản tăng cao, nhiều người ước tính hàng chục năm sau, hoặc cho đến lúc về hưu, họ cũng không có khả năng mua nhà để có một cuộc sống ổn định. Thực tế cho thấy trong xã hội Hàn Quốc, những khoản thu nhập thấp từ công việc tại các công ty nhỏ và những hợp đồng mùa vụ không đủ để họ duy trì đời sống gia đình.

Mức thu nhập thấp đã khiến nỗ lực của rất nhiều người trở nên rẻ mạt. Điều này đã từng được BTS và đội ngũ của mình khai thác trong “Go,Go” khi nói về lối sống YOLO và một lần nữa được J-Hope nhắc đến khi nói rằng: “Tiền công hàng ngày khiến máu và mồ hôi ta trở nên thảm hại”.

Chính vì vậy, người trẻ tìm kiếm công việc của Hàn Quốc thường nói: “Hoặc là Chaebol, hoặc là không gì cả!”

Nhưng nguồn cơn người ta chuộng làm việc cho các tập đoàn không chỉ nằm ở thu nhập. Đi cùng sự phân cực về thu nhập chính là sự phân tầng xã hội. Việc làm việc tại các tập đoàn lớn có thể đưa một người Hàn Quốc đạt được một vị thế xã hội “cao” hơn hẳn so với nhiều công việc khác. Đặc biệt đối với người trẻ tuổi, họ đánh giá việc tìm kiếm việc làm không chỉ là tìm kiếm thu nhập mà còn là tìm kiếm tương lai. 

Có một thanh niên người Hàn khi được phỏng vấn về vấn đề thất nghiệp của người trẻ đã trả lời như thế này: “Ở những nước như Thụy Điển, mọi người có vẻ hạnh phúc với công việc của mình. Và ở đó, dù là lao động chân tay như thợ sửa ống nước cũng có thể kiếm được nhiều tiền hơn một người là cổ cồn trắng. Vì những công việc chân tay cũng được tôn trọng cho nên có những lựa chọn khác nhau cho những người tìm việc. Nhưng ở Hàn thì không phải vậy. Người ta được xếp hạng và lựa chọn bằng uy tín của trường đại học. Những công việc khác không được tôn trọng và thu nhập cho người lao động chân tay có thể rất thấp.” (5)

Người ta không chỉ phân ra một công việc là xịn hay đểu mà còn phân loại con người thành xịn hay đểu căn cứ vào công việc họ đang làm. Giá trị của nỗ lực và của bản thân một con người được đánh giá dựa trên công việc.

Vì vậy, có nhiều người sau khi đã tốt nghiệp tiếp tục ôn luyện hàng tháng, hàng năm để tìm thấy những công việc thực sự, công việc có vị thế cao. Dù tỷ lệ chọi để vào được các tập đoàn có là 1/100 thì người ta vẫn đua nhau xếp hàng đăng ký. P.O.P có đoạn:

“Đồng lòng, ta thành một chủ thể
Và cùng than phiền về vấn đề
Dẫu mơ về bình yên giữa thực tại
Ta ở giữa cuộc chiến không thể tránh né”

Sự tranh đấu để đạt được công việc chính là cuộc chiến đi tìm chỗ đứng trong xã hội. Dù con người có muốn yên bình cũng khó lòng yên bình. Người không muốn tranh đấu thì sẽ bị xã hội khinh miệt vì không có chỗ đứng. Người muốn có chỗ đứng thì buộc phải tranh đấu. Đó là cách xã hội vận hành và tạo nên những cuộc chiến không thể né tránh.

Vậy nên dù có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ còn đang thiếu người, những công việc có thu nhập thấp không có ai muốn tham gia, một nhóm lực lượng lao động trẻ kiên quyết nói không với chúng. Kỳ vọng về công việc ở người trẻ và lượng công việc có thu nhập tốt tồn tại trong thị trường khác nhau là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

“Bóng tối ẩn giấu”Cấu trúc nền kinh tế, những hệ quả do lịch sử để lại 

Cũng như J-Hope nói rằng có “bóng tối ẩn giấu”, tỷ lệ thất nghiệp cao còn có lý do phía sau đến từ lịch sử phát triển kinh tế của Hàn Quốc.

Để vực dậy nền kinh tế vốn dựa vào nông nghiệp, những năm 1960 và 1970 của thế kỷ trước, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ để biến một số công ty lớn do gia đình quản lý thành các tập đoàn kinh tế khổng lồ. Các Chaebol đã phát triển rất nhanh, đưa Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo nàn sau chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) nhảy vọt lên thành nền kinh tế đứng thứ tư châu Á chỉ sau vài thập kỷ. 

Không thể phủ nhận tác động tích cực của các chaebol đối với sự phát triển của Hàn Quốc. Năm 2017, tổng doanh thu của 10 Chaebol lớn nhất Hàn Quốc lên đến 677,8 nghìn tỷ USD, tương đương 44,2% tổng GDP cả nước. 

Nhưng một mặt khác, bằng sức mạnh sẵn có của tập đoàn cũng nhờ như các chính sách hỗ trợ của chính phủ, các tập đoàn lớn Hàn Quốc nắm giữ tiến bộ khoa học kỹ thuật, độc quyền giá; đầu tư vào tất cả mọi lĩnh vực; bóp chết các doanh nghiệp nhỏ, từ đó dẫn đến kìm hãm sáng tạo, hạn chế khả năng tạo lập ra công ăn việc làm và làm tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. 

Tình trạng thực tế đòi hỏi Để cải thiện khả năng tạo ra công ăn việc làm trên thị trường, chính quyền phải có những biện pháp thay đổi mối quan hệ giữa chính quyền và chaebol và làm giảm quyền lực của các Chaebol đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, những năm trước khi phát hành P.O.P pt.1,  liên tục xảy ra các bê bối kinh tế, chính trị mà nhà chính trị (ví như tổng thống Park Geunhye) và chaebol là đồng loã. Chưa có cải tổ về chaebol nào được thực hiện có hiệu quả trong khi các chính sách nhằm giảm tình trạng thất nghiệp lại không khiến tình hình khả quan hơn. 

J-hope nói: 

Giải pháp như hạn hán khiến mầm non khô héo”

hay

“Chúng ta cứ lùi lại một bước
Thì bao giờ mới tiến bước thứ hai?” 

Thế hệ trẻ Hàn Quốc như những mầm non gặp phải một hệ thống xã hội, chính sách như hạn hán. Thay vì một môi trường tạo điều kiện cho thế hệ tương lai phát triển thì môi trường nơi này khiến cho thế hệ này dường như chết yểu và tiếng nói đau khổ ủa họ không được thế giới thấu rõ: 

“Dù có hét lớn bài ca, thế giới dường như đã điếc.”

Người trẻ đánh mất niềm tin 

Cục diện diễn ra trước mắt khiến những người trẻ dường như không có con đường tiến bước. Nói đến đây, có lẽ chúng mình sẽ hiểu rõ hơn về lý do trong đoạn trước đó J-Hope rap:

“Có đau đớn, có thành công
Với chúng tôi, luôn luôn là
bể khổphong tỏa
Cứ như vậy, mờ phai đi”

Hàn Quốc có văn hóa làm việc rất chăm chí, cống hiến hầu hết thời gian và sức lực vào công việc: “No pain no gain” – phải có đau đớn rồi mới có thành công. Và đối với lớp người đi trước, họ tin rằng nỗ lực sẽ đem lại thành công. Tuy nhiên thực tế lại không phải là một quy luật nhân quả chắc chắn như vậy.

Trong một khảo sát gần đây, ¾ những người trong độ tuổi 20 được khảo sát cho rằng chỉ riêng việc làm việc chăm chỉ không đảm bảo rằng họ sẽ thành công mà tương lai một người phụ thuộc vào việc họ được sinh ra trong tầng lớp xã hội nào. 

Trong tâm trí nhiều người, điều hứa hẹn trước mắt họ không phải là một thành tựu được đơm hoa kết trái từ thời gian, công sức, tiền bạc đã bỏ ra, mà là bể khổ của những nỗ lực mà bị kìm hãm bởi các yếu tố họ không thể chống trả lại và cái kết “fade away” – dần chìm nghỉm, dần biến mất giữa thế gian mà không thực hiện được ước mơ của mình.

III. Mong muốn trở thành một mảnh bình yên của JHope 

JHope dường như đã thẳng thắn nhìn vào hiện trạng của đất nước, hiểu rõ những đau khổ mà muôn người đang gánh chịu để rồi nói lên một mong ước rất thực tế là trở thành một mảnh bình yên, chứ không phải là một ảo tưởng vô vọng là có được bình yên hay hoà bình trọn vẹn. 

“Tôi ước có thể truyền đi dũng khí 
Tiêu chuẩn của hạnh phúc chính là bạn
Và bạn bước đi trên con ấy
Tôi ước có thể lấp đầy niềm tin 
Như một mẩu bánh đơn giản làm no bụng 
Một mẩu bình yên.”

hay 

“Bạn đâu có làm gì sai 
Cùng đối mặt thôi, cùng chạy tới 
Để mà đơm hoa kết trái 
Nếu tôi có thể trở thành một mẩu ấy
Trên tất thảy mọi thứ, tôi sẵn lòng dốc tiền bạc cho đất nước tôi.

[…]

Tôi muốn giúp vì tôi từng giống họ 
Vì tôi cũng là người mang theo đam mê

[…]

Tôi muốn giúp vì tôi từng giống họ 
Vì tôi là cũng người mang theo hoài bão
Có lẽ ước mơ của bạn sẽ toả rạng khi xoá ác mộng đi
Có lẽ yên bình ở ngay đây. 
Nếu tôi 
có thể trở thành sức mạnh của ai đó 
Có thể trở thành ánh sáng cho ai kia 
Tôi ước
Tôi có thể trở thành một mẩu yên bình”

Jhope nói rằng chưa tìm được một công việc mong muốn không có nghĩa là bạn đã sai. Giữa một thế hệ xác định hạnh phúc của bản thân thông qua công việc họ đạt được, địa vị họ nắm giữ, đồng thời lại đánh mất niềm tin vào khả năng có thể đạt được những gì họ mong muốn, Jhope muốn gửi gắm tới họ một mẩu bình yên. Giống như chỉ một mẩu bánh con cũng có thể khiến người ta vượt qua cơn đói, JHope kì vọng mẩu bình yên từ âm nhạc của mình có thể giúp những người săn việc vượt qua cơn tuyệt vọng. Tuy không thể giải quyết triệt để vấn đề nhưng ấy là niềm tin cần có để người ta dám giữ lấy ước mơ chứ không phải vứt ước mơ đi và chìm vào đau khổ. 

Ai cũng có thể nói rằng âm nhạc của Jhope rất tươi sáng. Sự tươi sáng này tồn tại vì bóng đêm và ác mộng tồn tại. Chúng đến để ác mộng không nuốt trọn ước mơ của con người.  

Thế giới của chúng mình chưa bao giờ có được hòa bình trọn vẹn. Chiến tranh có thể không xảy ra trước mắt chúng ta nhưng vẫn liên tục xảy ra ở những vùng đất khác. Sự tranh đấu thì chẳng chừa nơi nào có bóng con người. Thậm chí bình yên cũng là điều hiếm hoi.

Thật thú vị khi từ peace (hòa bình) và piece (một mẩu) là những từ đồng âm. Việc sử dụng hai từ đồng âm khiến “hòa bình” và “một mẩu” vốn là một thứ vĩ đại và một thứ nhỏ bé lại trở thành một thể. Hòa bình chưa bao giờ tồn tại trọn vẹn cho nên nó chỉ có thể là những mẩu nhỏ. Đồng thời, chỉ khi những mẩu nhỏ này tồn tại, người ta mới có kỳ vọng về một tương lai hoà bình.  

J-Hope nói: “Nói thật thì hòa bình là một chủ đề nhạy cảm nhưng mình muốn mọi người có những hòa bình riêng dù là trong bất cứ việc gì và hạnh phúc với cuộc sống của họ…Mọi người ơi, các bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tập hợp hết những mảnh (bình yên) này lại? Chúng mình có thể tạo nên một niềm hạnh phúc lớn lao đến thế nào?”

JHope nhào nặn âm nhạc của bản thân thành một mẩu bình yên trong một tâm thế hướng về một thế gian hoà bình và hạnh phúc lớn lao hơn. Chỉ những người tuyệt vọng mới thấu rõ giá trị khi một niềm tin nhỏ nhoi xuất hiện. Giữa thế giới không yên bình, một mẩu yên bình lại trở nên trọng đại.


Lưu ý:

Ghi chú khác: 

(1) Trong bài có đoạn sau đây có thể hiểu theo nhiều cách. Mình lựa chọn cách hiểu như đã trình bày trong bài do cảm thấy như vậy phù hợp với các đoạn tiếp theo hơn. 

No pain No gain

우리에겐 Always

To us, always—

고해와 봉쇄

confession and blockade

그렇게 Fade away

Fade away like that

(2) Câu hát sau có thể được coi là lấy cảm hứng từ trích dẫn của Lê nin. Tuy nhiên để bàn xa hơn về vấn đề này, mình cần có thêm thông tin về mức độ tiếp cận của Hoseok với các tác phẩm của Lê nin. Đây có thể chỉ là một cách nói thông dụng. 

계속되는 일보 후퇴

We continue to take a step back

이보 전진은 언제?

When will we take two steps forward?

Vladimir Lenin: “It is necessary sometimes to take one step backward to take two steps forward.”

Tuy nhiên, lưu ý rằng Lênin có một tác phẩm mang tên: “Một bước tiến, hai bước lùi”. Nó đặt cơ sở cho sự nghiệp xây dựng Đảng Cộng sản Liên Xô (cũ) và các Đảng Cộng sản các nước. Tác phẩm đã cống hiến lớn lao cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân toàn thế giới.

Bên cạnh đó, Lênin đã thay mặt Đảng Bolshevik Nga công bố “Sắc lệnh về hòa bình” của Nhà nước Xô-viết. Đây là một văn kiện lịch sử có giá trị như một cương lĩnh hòa bình đầu tiên của nhân loại trong thế giới đương đại.

Tài liệu tham khảo:

(1) Số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam: Theo Tổng cục Thống Kê VN

Số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc: Theo OECD.

(2) Tin nhanh chứng khoán, Gần 50% nền kinh tế Hàn Quốc nằm trong tay các chaebol: 

https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/gan-50-nen-kinh-te-han-quoc-nam-trong-tay-cac-chaebol-post215147.html

(3) “Thế hệ lạc lối” – Mặt trái của hào quang Hàn Quốc:

https://doanhnhansaigon.vn/thoi-su-quoc-te/the-he-lac-loi-mat-trai-cua-hao-quang-han-quoc-1083013.html?fbclid=IwAR2J_oIxjnfQSV3itZliiP6Qcwhg1EmyXWdJra-8fG_gCPlBeKYFBvVKHEQ

(4) ASIAN BOSS, Koreans React To Record High Youth Unemployment Rate:

(5) GCAP Korea; Status of labor inequality in Korea

(6) Job-Seeking Stress, Mental Health Problems, and the Role of Perceived Social Support in University Graduates in Korea: 

https://www.researchgate.net/publication/324798843_Job-Seeking_Stress_Mental_Health_Problems_and_the_Role_of_Perceived_Social_Support_in_University_Graduates_in_Korea

(7) Al Jazeera English, South Korea inequality: Youth fed up with wealth gap: 

 (8) Báo người lao động, Bước ngoặt của chaebol

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/buoc-ngoat-cua-chaebol-20170325211643637.htm

(9) [KDI FOCUS] Why Korea’s Youth Unemployment Rate Rises (Kyungsoo Choi, Fellow):

————–